• Giờ làm việc: T2-T6 08:00 - 18:00
  • Email: kientrucmovic@gmail.com
  • Điện thoại: 0972712688

Giếng Trời là gì? Có thể coi đây là một trong những câu hỏi hóc búa với rất nhiều người. Bởi hầu hết chúng ta thường không quan tâm và tìm hiểu về những khái niệm không hay được sử dụng trong cuộc sống..Tuy nhiên, nếu bạn là kiến trúc sư hoặc có đôi chút am hiểu về phong thủy, bạn chắc chắn có thể trả lời mọi điều về Giếng Trời gần như ngay lập tức. 

Trên thực tế, trong quá trình thiết kế và thi công nhà ở, những người thực hiện nó sẽ bắt gặp khá thường xuyên những băn khoăn xoay quanh khái niệm này. Ví dụ như “Cách làm Giếng Trời trong nhà là gì?”, “ Làm Giếng Trời có thực sự cần thiết hay không?”, “Che Giếng Trời như thế nào là hợp lý?”, hay “Nhược điểm của Giếng Trời ra sao?”,…. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thật chi tiết tất cả những vấn đề này ngay sau đây nhé…

Giếng Trời là gì?

Quy trình thiết kế nhà ở vào nhiều năm trước đây không thực sự cần quá nhiều tiêu chuẩn. Vào thời điểm đó, việc mời kiến trúc sư về để tư vấn và đưa ra những giải pháp, lựa chọn tối ưu cho căn nhà được coi là một hành động xa xỉ, không cần thiết…

Còn hiện tại, mỗi một công trình xây dựng đều phải được tính toán, ước lượng thực tế trên các bản vẽ, tài liệu,… Nhiều gia đình đồng ý chi một khoản tiền không hề nhỏ để nhờ đến sự trợ giúp của đội ngũ kiến trúc sư giàu kinh nghiệm.. Tại sao lại có sự khác biệt đến vậy? Nguyên nhân phải chăng chỉ đơn giản do điều kiện kinh tế đã khác? Công việc của các kiến trúc sư chỉ là vẽ ra các bản vẽ thật đẹp? Bạn đã bao giờ thắc mắc về điều này hay chưa?

Nguyên nhân sâu xa cho sự thay đổi này nằm ở chính không gian xung quanh ngôi nhà của bạn. Không giống thời kỳ trước, đất nước ta đang phát triển từng ngày, những chung cư, nhà cao tầng mọc lên như nấm,.. Kéo theo đó là sự hạn hẹp về diện tích đất xây dựng cùng không gian bí bách xung quanh, và khái niệm “Giếng Trời là gì?” cũng được bắt nguồn từ đấy…

Giếng Trời chính là khoảng không gian giúp thông thoáng nhà ở (nhất là những căn nhà có dạng hình ống), được thông từ tầng trệt lên đến mái theo phương thẳng đứng. Dạng thiết kế này đang dần trở thành tiêu chuẩn khuôn mẫu cho ngành kiến trúc hiện nay. Những ngôi nhà có Giếng Trời thường đem lại luồng không khí vô cùng tươi mới và thiên nhiên, giúp cải thiện tích cực cuộc sống gia đình…

Cấu tạo Giếng Trời

Về mặt tổng quát, Giếng Trời được tạo thành từ 3 bộ phận chính. Đó là Đáy Giếng, Thân Giếng và Đỉnh Giếng:

  • Đáy Giếng: Thông thường, đây sẽ là tầng thấp nhất của ngôi nhà. Ý nghĩa của Giếng Trời vốn là để giúp lấy ánh sáng và thông khí. Chính vì vậy, vị trí Đáy Giếng thường được kết hợp để thiết kế thành phòng khách, hoặc phòng ăn…
  • Thân Giếng: Thân Giếng sẽ kéo dài xuyên suốt chiều cao của ngôi nhà. Từ đó ánh xạ ánh sáng tới khắp tất cả các phòng trong nhà bạn. Ở vị trí đón nắng gió trực tiếp như thế này, chúng ta có thể thiết kế thêm những giàn cây phong thủy, bể cả,… để tăng thêm tính thẩm mỹ.
  • Đỉnh Giếng: Đỉnh Giếng là phần cao nhất của ngôi nhà, được cấu tạo từ hệ khung mái và phần che. Từ ngoài nhìn vào, người ta sẽ chú ý đến phần Đỉnh Giếng đầu tiên. Chính vì thế, việc thiết kế đỉnh giếng thế nào? Lựa chọn chất liệu nào để che phủ cũng rất được quan tâm.

Che Giếng Trời như thế nào?

Để đáp ứng được tất cả những mục đích của Giếng Trời là Thông gió và Chiếu sáng, song vẫn đảm bảo sự đa dạng trong chọn lựa. Các nhà thiết kế đã cấu tạo Đỉnh Giếng Trời từ những loại nguyên vật liệu khác nhau…

Đỉnh Giếng Trời được cấu tạo từ Tôn

Từ rất lâu, Tôn đã trở thành loại nguyên vật liệu được sử dụng phổ biến trong xây dựng. Ưu điểm vượt trội nhất của Tôn có lẽ là giá thành rẻ và dễ thích ứng. Cộng với thời gian gần đây, loại chất liệu này có cải tiến đáng kể về mẫu mã, giá thành và chức năng, đảm bảo phù hợp cho mọi loại công trình với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. 

Chính vì vậy, đối với những gia đình không quá dư dả về mặt kinh tế, Đỉnh Giếng Trời được cấu tạo từ Tôn có lẽ sẽ là sự lựa chọn được nhắc đến đầu tiên…

Đỉnh Giếng Trời được cấu tạo từ Kính

Những ngôi nhà sở hữu Đỉnh Giếng Trời được cấu tạo từ Kính sẽ mang một nét đẹp nổi bật. Với tính chất trong suốt đặc trưng, chúng ta không thể phủ nhận rằng những chiếc Giếng Trời đặc biệt này sẽ đem lại cho ngôi nhà sở hữu nó nguồn ánh sáng hoàn hảo, cũng như nét thẩm mỹ vô cùng tinh tế.

Tuy nhiên, Kính là loại chất liệu có một vài nhược điểm không thể chối bỏ. Chúng có trọng lượng khá nặng và cực kỳ nguy hiểm khi bị vỡ. Vậy nên nếu gia đình bạn muốn sử dụng Kính làm chất liệu để cấu tạo nên Đỉnh Giếng Trời, hãy nghiên cứu thật kỹ và lựa chọn đội ngũ thi công giàu kinh nghiệm. 

Đỉnh Giếng Trời được cấu tạo từ Nguyên liệu tổng hợp

Nguyên liệu tổng hợp đang được nhắc đến ở đây chính là Nhựa PolyCarbonate. Sở hữu nét đẹp giao thoa giữa Tôn và Kính, Đỉnh Giếng Trời cấu tạo từ Nhựa PolyCarbonate là lựa chọn hàng đầu hiện nay. Dưới đây là một vài ưu điểm nổi trội những chiếc Giếng Trời được cấu tạo từ loại chất liệu này:

  1. Giá thành tầm trung, rẻ hơn Kính.
  2. Đa dạng về mẫu mã và màu sắc.
  3. Thuận tiện trong việc di chuyển, lắp đặt, tháo dời,…
  4. Độ bền cao.

Ngoài những loại chất liệu kể trên, liệu chúng ta còn có thể che Giếng Trời như thế nào? Không cần lo lắng về vấn đề này, bởi bạn hoàn toàn có khả năng tự thiết kế Giếng Trời bằng những nguyên liệu sẵn có như bạt, ngói,… Vậy nên, chúng ta có thể không cần quá quá để tâm về chi phí cho việc thiết kế Giếng Trời. 

Cách làm Giếng Trời trong nhà

Từng chiếc Giếng Trời được đặt trong mỗi ngôi nhà sẽ mang hình hài, màu sắc hoàn toàn khác nhau. Chúng sẽ in đậm tính cá nhân của chủ nhân ngôi nhà đó. Và khi một chiếc Giếng Trời được hoàn thiện, nó phải đảm bảo đầy đủ và song song 2 yếu tố: đó là Kỹ thuật và Thẩm mỹ.

Vị trí 

Xét cả về mặt thẩm mỹ và phong thủy thì vị trí ‘Giữa nhà’ luôn là vị trí ưu ái được lựa chọn để đặt Giếng Trời. Đây được coi là vị trí trung tâm, nến sẽ tối ưu được chức năng thông thoáng. Và cũng là nét chấm phá nổi bật nhất của ngôi nhà.

Để chi tiết hơn trong việc tìm vị trí đặt Giếng Trời, chúng ta sẽ dựa vào phong thủy. Theo đó thì những cung tốt, phù hợp cho việc đặt Giếng Trời là Tài Lộc, Thiên Mạng. Chỉ có duy nhất một lưu ý nhỏ trong vấn đề này, đó là chúng ta tuyệt đối không nên đặt Giếng Trời ở hướng Bắc của ngôi nhà.

Kích thước

  • Đối với Nhà ống: Kích thước phù hợp là 4m2 -6m2.
  • Diện tích Giếng Trời chỉ nên vào khoảng <5% so với diện tích sàn đối với nhà có nhiều cửa sổ và <15% đối với nhà có ít cửa sổ.
  • Diện tích tối thiểu của Giếng: 450mx450m
  • Không nên thiết kế Giếng Trời với những ngôi nhà có diện tích chật hẹp.

Nhược điểm của Giếng Trời

Rất khó để tìm ra một sản phẩm hoàn hảo và làm hài lòng tất cả những người sử dụng nó. Theo lẽ tất nhiên, Giếng Trời cũng sẽ có những ưu, nhược điểm cho riêng mình. Đi cùng những ưu điểm nổi trội là Thông gió và Chiếu sáng là một vài nhược điểm sau đây:

  • Khuếch đại âm thanh: Với thiết kế sâu và có nhiều nét tương đồng với những chiếc giếng nước thông thường. Nhược điểm rõ nhất của Giếng Trời chính là khuếch đại âm thanh. Chắc chắn bạn sẽ chẳng vui vẻ gì mà khi những câu chuyện cần riêng tư thì cứ vang văng vẳng khắp nhà. Bạn nói chuyện ở tầng một nhưng tận tầng trên vẫn nghe thấy rõ.
    Cách khắc phục:
    – Tăng độ dày của tường để tiêu âm bằng cách ốp đá tự nhiên, ốp gạch, sơn gai,…
    – Thiết kế tiểu cảnh ở phần Đáy Giếng.
    – Trồng những loại cây leo tường và có thể sống trong nhà..
  • Khó thoát nước: Như chúng ta đã biết, Giếng Trời có thiết kế đặc biệt với phần Đỉnh Giếng nằm ở vị trí cao nhất của ngôi nhà. Đây chính là nơi đầu tiên hứng chịu mọi sự thay đổi của thời tiết. Chính vì thế, nếu phần Đáy Giếng không được xây dựng một cách hợp lý, thì ngôi nhà của bạn sẽ phải đối mặt với “thảm họa” vào mỗi mùa mưa lũ,..
    Cách khắc phục: Nghiên cứu và thiết kế hệ thống thoát nước thật tốt và hiện đại nơi Đáy Giếng.
  • Giảm tuổi thọ của các đồ vật trong gia đình: Có rất nhiều nhu yếu phẩm chúng ta cần sử dụng hàng ngày. Và hầu hết trong số chúng đều có ghi chú “Tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp”. Chưa kể đến nhiều vật dụng cá nhân như đèn, quần áo,… cũng sẽ bị bai màu nhanh khi gặp nắng. Vào mùa hè, lượng ánh sáng nóng mà Giếng Trời đón vào nhà là vô cùng lớn. Kéo theo đó chính là sự giảm tuổi thọ của các đồ vật trong gia đình bạn.
    Cách khắc phục:
    – Thiết kế và sử dụng chất liệu tốt để phần che Đỉnh Giếng. Từ đó chúng ta có thể chủ động hơn trong việc hạn chế ánh nắng gắt, có hại,..
    – Không tích trữ quá nhiều vật dụng trong nhà. Chỉ nên mua đồ với số lượng cần thiết.
  • Tăng hiểm họa cho không gian sinh hoạt: Giếng Trời là khoảng không gian hoàn toàn mở. Vì vậy, nếu ở những khu vực giáp ranh với Giếng không được trang bị vách ngăn bảo vệ thì sẽ rất dễ gây nguy hiểm cho chính những người chủ của ngôi nhà.
    Cách khắc phục: Thiết kế lan can, vách ngăn, hàng rào bảo vệ tại những khu vực cần thiết.

Qua chia sẻ hôm nay, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã có đáp án cho câu hỏi “Giếng Trời là gì?” rồi. Nói tóm lại, Giếng Trời thực sự là một phát minh tối ưu với những căn nhà bị hạn chế về ánh sáng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ngôi nhà nào cũng phù hợp để thiết kế Giếng Trời. Chính vì thế, nếu bạn đang có ý định này, hãy suy xét thật kỹ và hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm…

 

Bài viết tham khảo: >>> https://movic.vn/project/biet-thu-2-tang-tan-co-dien-2-mat-tien-dep/

>>> https://movic.vn/project/nha-2-tang-mai-thai-tan-co-dien-mv1527/

>>> https://movic.vn/project/nha-2-tang-mai-thai-3-phong-ngu-hien-dai/